Viêm cơ cốt hóa (VCCH – Myositis Ossificans) là sự hình thành dạng xương trong cơ, là một rối loạn hiếm gặp liên quan đến quá trình canxi hóa (calcification) bất thường ở mô mềm (cơ, dây chằng). Thường gặp ở cánh tay hoặc cơ tứ đầu đùi.
1. Đặt vấn đề
Viêm cơ cốt hóa (VCCH – Myositis Ossificans) là sự hình thành dạng xương trong cơ, là một rối loạn hiếm gặp liên quan đến quá trình canxi hóa (calcification) bất thường ở mô mềm (cơ, dây chằng). Thường gặp ở cánh tay hoặc cơ tứ đầu đùi.
Nguyên nhân của VCCH còn nhiều vấn đề chưa sáng tỏ, có thể bệnh xuất hiện sau chấn thương gây ra khối máu tụ ở phần mềm nhưng nhiều trường hợp bệnh nhân hoàn toàn không có tiền sử chấn thương…
Điều trị VCCH còn gặp khó khăn, chưa có phác đồ điều trị thống nhất cho bệnh lý này. Hiện nay, cần phải có nghiên cứu sâu hơn về chẩn đoán và điều trị hiệu quả VCCH.
2. Minh họa bệnh án
Bệnh nhân nữ 52 tuổi, nghề nghiệp: Bác sĩ nội khoa. Trước đây không có tiền sử bệnh tật đáng quan tâm của cá nhân và gia đình, không có tiền sử chấn thương. Tự nhiên phát hiện đau ở đùi trái, không sốt, không sưng các khớp… Khám lâm sàng phát hiện một khối chắc không rõ giới hạn, ấn đau ở 1/3 trên trước ngoài đùi trái, không đỏ da tại chỗ. Siêu âm thấy có một khối không đồng nhất (kích thước 3,5 x 2 cm) sát xương đùi trái, có vôi hóa trong khối. Hình ảnh chụp MRI thấy khối sáng tín hiệu trên xung T2W phần trên cơ rộng giữa đùi trái.
3. Bàn luận
3.1. Về nguyên nhân VCCH
- Do chấn thương: Thường xảy ra ở vận động viên sau một chấn thương ban đầu, chấn thương gây ra khối máu tụ ở phần mềm, sau đó phát triển dần thành VCCH, cốt hóa thường hình thành sau chấn thương khoảng 2 – 4 tuần.
- Không do chấn thương: Cơ chế VCCH không do chấn thương chưa rõ chỉ được phát hiện có hình xương bất thường trên Xquang, trông giống như có một khối hóa xương trong mô mềm.
- Ngoài ra còn có thể do đột biến nhiễm sắc thể gây ra loạn sản tế bào sợi (là bệnh cực kỳ hiếm và có yếu tố di truyền). Một số tác giả cho rằng nguyên nhân có thể do nhiễm khuẩn, bỏng, rối loạn thần kinh cơ, bệnh ưa chảy máu (thiếu yếu tố X), uốn ván, lạm dụng thuốc…
3.2. Diễn biến bệnh
- VCCH về cơ bản là một phản ứng tăng sinh trong mô thường xuất phát từ một chất thương mô mềm. Không nhất thiết là có dẫn đến hình thành cốt hóa tại đó. Trong tuần đầu tiên, tăng sinh các tế bào sợi và mạch máu; Những tế bào trong mô nguyên thủy cùng với hoạt động phân bào mạnh (có thể giống như bệnh ác tính khi sinh thiết).
- Quá trình tiến triển của tổn thương, sẽ hình thành dần sự phân vùng điển hình:
3.2.1. Vùng lõi: Bao gồm nguyên bào sợi tăng sinh mạnh cùng đám xuất huyết và hoại tử cơ.
3.2.2. Vùng trung gian: Đặc trưng bởi nguyên bào xương với dạng xương non và các đảo sụn do cốt hóa.
3.2.3. Vùng ngoại vi: Gồm xương trưởng thành, thường tách biệt với các mô xung quanh bởi các cân cơ.
Khoảng từ tuần thứ 3 tới tuần thứ tư, canxi hóa và xương hóa hình thành bên trong khối “u”. Khoảng tuần thứ 6 – 8, hình thành một tổ chức xương đầy đủ.
3.3. Về chẩn đoán bệnh
3.3.1. Lâm sàng
Tự nhiên xuất hiện đau, không có triệu chứng của bệnh lý khớp cũng như nhiễm khuẩn tại chỗ, ở bệnh nhân trên, tự nhiên xuất hiện đau ở 1/3 trên ngoài đùi trái, đau tăng lên trong 3 tuần đầu.
3.3.2. Cận lâm sàng
+ Chụp cắt lớp vi tính: Cho thấy hình ảnh đặc hiệu VCCH điển hình ở vùng cơ rộng và khối tổn thương chưa hình thành tủy xương hoặc vỏ xương bất thường.
+ Chụp cộng hưởng từ (MRI): Cho thấy hình ảnh khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn tiến trển và dạng mô học của tổn thương. Giai đoạn đầu, hình ảnh T2W cho thấy khối “u” không đồng nhất với mật độ cao ở trung tâm. Giai đoạn muộn hơn, cốt hóa ở ngoại vị trở nên đặc hiệu hơn và trên hình ảnh T2W cho thấy một vùng đậm đặc có bờ viền mỏng bao quanh
+ Về mô học: Cần chẩn đoán phân biệt với u xương ác tính và giả u xương sợi ở các ngón, đó là:
VCCH thường cho thấy một kiểu phân vùng điển hình, với một lõi nguyên bào sợi và một vùng cốt hóa rộng ở ngoại vi trong khi phần lõi có xu hướng cho thấy các tế bào sợi sắp xếp một cách lỏng lẻo và không có dạng tế bào điển hình.
Ung thư xương: Thấy có sự tăng trưởng mất trật tự với một hình ảnh chia vùng ngược lại. Ở phụ nữ xương hoặc sụn chưa trưởng thành được thấy ở vùng ngoại vi và giải xương trưởng thành thấy ở vùng trung tâm và cũng thấy các tế bào tăng sinh với hình ảnh tể bào ác tính.
3.4. Về điều trị
Hiện nay tài liệu đề cập toàn diện về điều trị VCCH còn ít và chưa thống nhất.
Theo các tài liệu kinh điển, điều trị VCCH tập trung giải quyết: làm giảm xuất huyết, nghỉ ngơi, bất động, chườm đá, đặt cao chân, dùng thuốc giảm đau, chống viêm. Không điều trị bằng nhiệt, siêu âm kéo dài, xoa bóp, làm căng cơ và vận động mạnh để tránh gây thêm chảy máu, như vậy sẽ làm tăng nguy cơ phát triển cốt hóa. Điều trị trước hết và cơ bản là bảo tồn, cho đến khi sự canxi hóa bớt dần, các triệu chứng thuyên giảm, khi đó có thể tiến hành phẫu thuật loại bỏ, tuy nhiên thành công của phẫu thuật còn hạn chế.
Nếu cắt bỏ sớm khi khối cốt hóa chưa trưởng thành (mature) thì nhiều khả năng sẽ phát triển trở lại (thời gian “trưởng thành” khoảng 3 – 6 tháng). Vì vậy hầu hết các phẫu thuật viên phải đợi từ 6 – 12 tháng mới có thể xem xét loại bỏ.
* Phương pháp điều trị bằng điện di ion axit axetic:
- Điện di dung dịch axit acetic 2% với dòng điện một chiều 4 mA trong 20 phút.
- Xung siêu âm cường độ 1,5W/cm2 trong 08 phút.
- Vận động nhẹ nhàng trong 05 phút trong giới hạn không gây đau (mild passive range of motion).
Thời gian điều trị: 3 lần/tuần x 3 tuần liên tiếp.
* Phương pháp điện di thuốc (electrophoresis): là phương pháp dùng dòng điện một chiều để di chuyển một số ion thuốc điều trị vào cơ thể hoặc lấy các ion thuốc có hại ra khỏi cơ thể.
4. Kết luận
VCCH không do chấn thương là một dạng bệnh lý hiếm gặp, chưa rõ nguyên nhân gây bệnh.
Chẩn đoán chủ yếu dựa vào chụp CLVT, MRI và mô bệnh học. Việc điều trị chưa có một phác đồ thống nhất, mỗi phương pháp đều có thể tác dụng nhất đinh, thời gian theo dõi 6 -12 tháng.
Bệnh cần được tiếp tục nghiên cứu sâu hơn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét