Blogroll

Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2012

Giảm đau nhức xương khi trời ẩm

Thời tiết miền Bắc đang vào mùa nồm ẩm, khiến nhiều người bị bệnh viêm khớp, đau khớp xương, sưng khớp gối, di chuyển khó khăn. Ngoài điều trị bệnh viêm khớp bằng thuốc, ăn uống cũng giúp phòng chống, giảm đau chứng bệnh này.

Người nào dễ mắc?

Theo BS Trần Văn Bản (Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Ðông y Việt Nam), những biểu hiện của bệnh viêm khớp trên trong Đông y gọi là chứng tý. Nguyên nhân do thời tiết ẩm thấp, tiếp xúc (lao động, nằm ngồi...) nơi ẩm ướt, hoặc làm việc mệt nhọc, gặp mưa rét làm chính khí hư yếu và 3 thứ khí gồm: Phong, Hàn, Thấp thừa cơ xâm nhập vào cơ thể, lưu lại ở kinh lạc, gân cơ, xương khớp, khiến khí huyết không lưu thông được mà sinh bệnh.

Người bệnh có cảm giác đau tăng lên khi trời lạnh, ẩm ướt và giảm đi khi trời nóng... Nếu để bệnh lâu sẽ khiến các khớp ngón tay, ngón chân đau, sưng to, cứng, hạn chế vận động, tổn thương tâm, can, thận, khí huyết, mất ngủ, gầy yếu, xanh xao...

Tây y có những bệnh danh cụ thể như thấp tim, viêm đa khớp dạng thấp, viêm khớp, thoái hóa khớp, khô khớp, viêm màng hoạt dịch ... Một số ít bệnh thấp khớp thường gặp ở trẻ dưới 16 tuổi như thấp tim, viêm khớp mạn tính, đau nhức xương...

Theo GS.TS Trần Ngọc Ân, Chủ tịch Hội Khớp học Việt Nam, các chứng bệnh liên quan đến viêm khớp gặp nhiều ở vùng khí hậu có độ nóng, ẩm cao. Những người thừa cân, gia đình có người đã bị bệnh khớp nguy cơ mắc cao hơn, do bệnh viêm khớp có tính di truyền. Nữ dễ mắc hơn nam. Những vận động viên, người lao động chân tay, người hút thuốc lá, sơn sửa móng tay, thợ sơn... do hay dùng acetone và thuốc trừ sâu nên dễ bị viêm khớp hơn.

Viêm khớp đang có xu hướng tăng ở người làm việc lâu với máy tính, khiến cổ và gáy mỏi cứng, không linh hoạt, có lúc đau lưng, vai, hay tê dại nửa người. Tuổi tác cũng tỉ lệ thuận với nguy cơ mắc bệnh thấp khớp. 1/2 số người từ 65 tuổi trở lên bị viêm khớp, nhưng chỉ 1/250 trẻ em bị bệnh này.

Tình trạng đau xương khớp khi thời tiết thay đổi có nhiều nguyên nhân, có thể là do mắc chứng viêm khớp mạn tính, viêm xương hoặc do tuổi tác... nên cần đi khám để được bác sĩ điều trị đúng.

Cũng theo GS.TS Trần Ngọc Ân, các bệnh khớp đều bắt đầu với triệu chứng đau, trong khi thuốc thấp khớp rất đa dạng và nhiều tác dụng phụ. Vì vậy, khi bị đau khớp, cần tới bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán, điều trị, và phải điều trị đúng theo y lệnh. Không tự ý dùng các loại thuốc đang bán trôi nổi trên thị trường, hay thuốc của các thầy nang băm ... vì rất dễ để lại  biến chứng nặng nề. Điều trị các biến chứng cũng rất khó khăn, kéo dài, tốn kém. 

Thực phẩm cải thiện đau khớp



Theo BS Trần Văn Bản, tuy thức ăn không thể thay thuốc, nhưng ăn uống chọn lọc sẽ giúp giảm viêm, giảm đau khớp, rút ngắn thời gian phải dùng thuốc.

Có nhiều món ăn tốt cho người bị khớp như: Đu đủ, dứa, chanh, bưởi có men kháng viêm, sinh tố C giúp kháng viêm. Các hoa quả giàu vitamin C khác như dâu tây, mâm xôi, đào, xoài, tảo bẹ, nghệ, nấm, trà xanh... cũng giúp kháng các phản ứng viêm.

Một số thảo dược như húng quế, húng tây, ớt, quế, bạc hà, mùi tây, đinh hương, các loại gia vị... giúp chống lại những phản ứng có hại. Quả bơ, cà rốt, khoai lang giúp kháng ôxy hóa, bảo vệ bao khớp và đầu xương. Sữa đậu nành, đậu hũ, hạt bí chống dị ứng, cung cấp chất vôi để bảo vệ đầu xương khi độc chất xói mòn trong ổ viêm...

Các ngũ cốc như gạo lứt, lúa mỳ, lúa mạch đen, đậu nành và các loại rau xanh (súp lơ xanh, cải bắp, cải xanh, tỏi, gừng, các loại đậu xanh, rau bina, tỏi tây, cây ô liu, hạt mầm)... có đặc tính chống bệnh tật, tăng cường hệ miễn dịch, kháng ôxy hóa, giàu năng lượng. Súp lơ xanh giàu vitamin K, C giúp xương khớp chắc khỏe. Cà chua làm bớt đau khớp (hạt cà chua giảm đau, chống viêm khớp).

Khi đau khớp, viêm khớp cần tránh ăn các thức ăn nhiều chất phốt-pho (có trong thịt, phủ tạng, thịt đã qua chế biến), thịt đỏ, sản phẩm bơ sữa vì tuy giàu protein, vitamin, khoáng chất nhưng lại quá nhiều chất béo làm tăng viêm, giảm canxi và tình trạng bệnh xấu đi. Không nên ăn ngô, sản phẩm bơ sữa đã qua chế biến, đồ ăn nhanh, thức ăn sẵn, đồ đông lạnh, thức ăn chiên rán kỹ vì dễ bị dị ứng, viêm nặng hơn.

Hạn chế bánh kẹo, đồ uống ngọt có nhiều đường, phốt pho vì dễ tăng viêm tấy. Các thực phẩm chất béo cao, hải sản (sâm, tảo biển, cá biển, tôm biển...), các sản phẩm quá chua quá mặn cũng không nên ăn vì sẽ tăng gánh nặng cho khớp.

Theo BS Phan Dung, Trung tâm Tư vấn sức khỏe người cao tuổi (Hà Nội), miền Bắc hiện đang mùa chuyển mùa, nồm ẩm, dễ sinh đau khớp. Do đó rất cần giảm độ ẩm thấp trong phòng đề phòng phát sinh bệnh. Khi đang đau không nên ăn đồ lạnh, cá đồng, baba, cà pháo, măng vì gây nhức xương khớp. Nên ăn những món có gia vị xương xông, lá lốt (chả xương xông, lá lốt, chuối ốc, đậu phụ, bò cuốn lá lốt...) để phòng bệnh. Nên dùng thuốc bổ sung canxi, vitamin nhưng phải có bác sĩ chỉ định cụ thể cho từng bệnh khớp. Và để chữa dứt điểm bệnh viêm khớp, tốt nhất nên điều trị theo Đông y.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét